Khảo sát mới đây của các đơn vị chức năng cho thấy, 265 di tích trong các khu phố cổ thuộc TP Hội An (Quảng Nam) đang bị mối mọt gây hại ở mức nặng và rất nặng. Việc triển khai các giải pháp xử lý tình trạng này là điều cấp thiết ngay nhằm ngăn chặn kịp thời sự phá hại cũng như ngăn ngừa sự tái xâm nhập trở lại của các tổ mối đang gây hại cho các công trình.
“Kẻ thù” âm thầm của di tích
Sau các đợt giãn cách vì dịch Covid-19, nhiều nhà mặt tiền cũng như nhà trong hẻm phố ở Hội An vẫn trong tình trạng đóng cửa im ỉm vì chủ nhân của nó hiện sống ở nơi khác hoặc vì người thuê không kinh doanh, buôn bán được, cho nên không mở cửa hàng. Phố vắng, nhà lạnh, ít người coi trông, bảo tàng, di tích ít khách du lịch, nơi đây còn đang tiềm ẩn rủi ro cho di tích, phố cổ đó là hiểm họa mối mọt tàn phá.
Nhà cửa cũng như các di tích tại khu phố cổ Hội An được khởi dựng từ ba vật liệu chính: gỗ, gạch và ngói. Tuy nhiên, do điều kiện vắng khách du lịch vì dịch Covid-19, cùng với khí hậu, thời tiết lũ lụt thường xuyên cho nên kết quả khảo sát mới đây đã ghi nhận tình trạng mối đã xuất hiện trở lại và đang gây hại các di tích. Thực tế, điều tra khảo sát đánh giá tình trạng côn trùng gần 800 di tích do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phối hợp Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An tiến hành cho thấy là đáng báo động. Qua kiểm đếm, 265 di tích tại các phường Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong trong khu phố cổ Hội An đang bị mối mọt, gây hại ở mức nặng và rất nặng. Có khoảng gần 200 di tích được xếp loại giá trị bảo tồn từ loại ba đến đặc biệt trong toàn bộ khu phố cổ Hội An đang bị mối quay lại tấn công và gây hại nặng.
Hàng loạt di tích nhà cổ nằm ở các tuyến đường trong khu vực khu phố cổ như đường Bạch Ðằng (20 nhà), Lê Lợi (20 nhà), Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ,… Một số di tích như các nhà thờ tộc, đình Tiền Hiền, đình Ông Voi, đình Sơn Phong, Hội quán, miếu Hy Hòa, miếu Ngũ Hành,… đã bị mối mọt tấn công nghiêm trọng, gây mất mỹ quan di tích, thậm chí có khả năng bị hư hỏng, phá hủy hoàn toàn nếu không có giải pháp phù hợp, xử lý triệt để.
Nhiều di tích bị mối xông rất nặng vào các vị trí chịu lực của công trình như cột, trếnh, xiên và kèo gồ, ngoài ra một số vị trí dễ bị mối gây hại nhiều như cửa, vách, trần và sàn gỗ và nhiều vị trí khác dẫn đến gây mất an toàn, mặt gỗ bị mối xông, ăn mòn, xù xì, mất hình thức kiến trúc đặc trưng của di tích. Các di tích còn lại tuy không phát hiện nhiều dấu hiệu bị mối mọt nhưng các kết cấu gỗ trong công trình đều có hiện tượng từng bị mối tấn công và có khả năng côn trùng quay lại tiếp tục xâm hại gỗ. Ngay tại di tích Chùa Cầu – biểu tượng của di sản văn hóa thế giới, trong những lần khảo sát của Trung tâm QLBTDSVH cũng ghi nhận nhiều cột, kèo bị hư hỏng, mục rỗng do mối mọt tấn công.
Nhiều ngôi nhà cổ trong khu phố cổ Hội An có tuổi đời hàng trăm năm, nằm trong danh mục di tích đang ngày càng xuống cấp vì nhiều nguyên nhân, tác động từ thiên tai, thời gian, cùng với đó, sự tấn công của mối mọt càng khiến những ngôi nhà kiến trúc gỗ xuống cấp nhanh hơn.
Bà Nguyễn Thị Linh, chủ nhân ngôi nhà cổ 41 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, cho biết: “Do Hội An nằm ở cuối nguồn sông Thu Bồn, những trận lũ lụt hằng năm, cùng với thời tiết nắng nóng, mưa gây ẩm mốc là môi trường để mối mọt sinh trưởng, phát triển nhanh”. Như trong năm 2020, từ cuối tháng 9 đến tháng 10, phố cổ Hội An hứng chịu gần 10 trận lũ lụt, mối xuất hiện dày đặc hơn, ngôi nhà cổ của gia đình bà, cũng như nhiều nhà cổ, di tích khác ở Hội An, đã rệu rã sau những trận bão, lũ, lại gồng mình chịu trận với sự phá hoại của mối mọt.
Chủ nhân của các ngôi nhà cổ cũng chỉ biết áp dụng những phương pháp thủ công, kinh nghiệm dân gian để chống đỡ phần nào sự hư hại do mối mọt gây ra. Tuy nhiên, những ngôi nhà, di tích này kiến trúc chủ yếu là gỗ, mối mọt xâm nhập từ dưới lòng đất và ăn dần, sâu vào bên trong các kết cấu gỗ cho nên hư từ bên trong ra, khó phát hiện sớm và xử lý triệt để. Những ngôi nhà trong phố cổ liền vách nhau, càng thuận lợi cho các loại côn trùng này tấn công. Nhiều di tích bị dột, ẩm thấp cũng là nguyên nhân chính khiến mối tấn công nhanh.
Tương tự, nhiều di tích đình, chùa, hội quán ở Hội An với kiến trúc xây dựng chủ yếu là gỗ cũng đang bị mối mọt tấn công, xâm hại. Trung tâm QLBTDSVH Hội An cùng cộng đồng trùng tu, hỗ trợ gắn thiết bị đặt nhử mối mọt nhưng cũng chỉ xử lý được phần nào, không thể dứt điểm. Ðáng chú ý, sau mỗi mùa mưa lũ, thời tiết biến đổi, gây ẩm mốc di tích, mối mọt xuất hiện nhiều hơn tại các di tích gỗ. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho mối mọt phát triển và xâm hại di tích.
Cần biện pháp xử lý tổng thể
Thành phố du lịch Hội An hấp dẫn du khách không phải là các công trình mới, di tích đồ sộ mà là một quần thể phố nhỏ – cảng thị xưa nằm hạ lưu sông Thu Bồn. Việc bảo tồn phố cổ không chỉ bên ngoài nhìn vào, trong nhìn ra mà phải rất căn cơ bài bản, chân tơ kẽ tóc từng hạng mục. Về vấn đề mối mọt tấn công di tích, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “Mối gây hại nguy hiểm, phá hoại một cách âm thầm và mạnh mẽ, là một trong những nguy cơ gây xuống cấp nhanh, mang tính thách thức đối với di tích. Công tác phòng, chống mối mọt cho các di tích là hoạt động thường xuyên mà Trung tâm triển khai thực hiện để kịp thời ngăn ngừa, xử lý. Bên cạnh công tác chống mối mọt còn phải chú trọng duy tu bảo dưỡng di tích thường xuyên. Việc xử lý côn trùng hại gỗ khu phố cổ Hội An là rất cấp thiết nhằm ngăn chặn kịp thời sự phá hại của các tổ mối gây ra, đồng thời ngăn ngừa mối xâm nhập trở lại công trình”.
Ngoài quần thể di tích kiến trúc trong khu phố cổ thì ở Hội An hiện còn có gần 370 di tích ngoài khu phố cổ, hầu hết có sử dụng vật liệu gỗ. Tháng 1-2021, UBND thành phố Hội An có công văn thống nhất chủ trương cho phép Trung tâm QLBTDSVH Hội An hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng mối mọt tại các di tích ngoài khu phố cổ Hội An. Kết quả thu được sẽ là cơ sở định hướng về giải pháp phòng, chống mối mọt cho di tích trong thời gian tới. Theo ông Phạm Phú Ngọc: “Nếu triển khai được dự án chống mối các di tích phố cổ Hội An mang tính chất diệt và phòng mối tổng thể thì có thể bảo đảm cho khu phố cổ không còn chịu sự tấn công phá hoại của mối. Do đó sẽ giảm được kinh phí hằng năm cho việc khắc phục hậu quả do mối mọt phá hoại”. Trước đó, vào các năm 2007 và 2008, Cục Di sản Văn hóa đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phòng trừ Mối (nay là Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) thực hiện xử lý mối cho hai phố cổ ở Hội An bằng công nghệ mới, đưa ra các biện pháp phòng trừ mối cho từng loài mối cụ thể, kết quả không còn mối tấn công và phá hoại trong một thời gian dài.
Từ năm 2011 – 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã phối hợp Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện dự án Phòng trừ côn trùng hại gỗ trong khu phố cổ Hội An. Sau khi thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả tốt và được đánh giá cao trong việc xử lý và phòng, chống mối cho toàn bộ khu phố cổ. Sau nhiều năm toàn khu phố không có mối gây hại, các loại thuốc, chế phẩm sinh học được dùng xử lý không gây ô nhiễm môi trường cho nên được người dân đồng tình ủng hộ. Khảo sát và phân tích nhóm mối gây hại di tích, hiện tại phố cổ Hội An có sáu loài mối thuộc ba nhóm mối gây hại công trình, di tích phố cổ cấp thiết phải được diệt, trừ mối mọt. Trước đây, Hội An đã tiến hành diệt và phòng mối với tổ hợp các biện pháp gồm: diệt mối bằng phương pháp nhử; diệt và phòng mối cho cấu kiện gỗ; tạo hàng rào khoan phòng mối bên ngoài công trình… Tổ hợp biện pháp này đã mang lại hiệu quả cao trong thời gian dài. Nhưng sau trận lụt tháng 9 và 10 năm 2020, thuốc diệt trừ đã trôi đi, mối quay trở lại làm tổ, tấn công hàng loạt di tích trong di sản Hội An.